Putaleng – đỉnh cao hiểm trở bậc nhất Việt Nam
Đoàn gồm 6 khách và 5 porter. |
Sáng sớm, men theo con mương dẫn nước từ suối từ thượng nguồn xuống bản, chúng tôi sốt sắng theo chân anh A Páo, người dân tộc Dao. Thời tiết đầu tháng 4 ở trên núi khá lạnh, nhưng đi được vài trăm mét chúng tôi đều cởi áo khoác vì nóng. Lúc này, tôi mới hiểu mọi người thường không leo các ngọn núi ở phía bắc từ cuối tháng 5 đến tháng 9, bởi thời tiết nắng nóng, đồng thời cũng là mùa mưa, có nguy cơ gặp lũ quét.
Theo kinh nghiệm của anh A Páo, 30-60 phút leo núi đầu tiên cơ thể cảm thấy mệt nhất, nhưng sau đó sẽ dần thích nghi. Trong khi leo, không nên dừng lại nghỉ quá lâu có thể dẫn đến cứng cơ. Lúc nghỉ cần lau mồ hôi và mặc áo khoác nếu trời lạnh để tránh bị cảm.
Sau khoảng một tiếng leo, chúng tôi tiếp cận một khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam, tận mặt chứng kiến một thảm thực vật đa dạng. Qua vài con suối nhỏ đến suối Thầu, từ đây đoàn men theo suối lên phía trên. Suối Thầu hiền hòa, nhiều đoạn có các tảng đá lớn tạo thành hồ chứa nhỏ, nước trong vắt và mát lạnh. Chúng tôi cứ leo khoảng 30 phút lại nghỉ và rửa mặt bằng nước suối. Đến 11h, chúng tôi dừng lại nghỉ ăn trưa bên dòng suối, cạnh lán sấy thảo quả của người dân địa phương.
Lán nghỉ trên núi. |
Trong khi các porter chuẩn bị đồ ăn (xôi, bánh mì, giò chả), chúng tôi lau người bằng nước suối lạnh để giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Sau bữa ăn, ai nấy tìm những phiến đá bằng phẳng dưới tán lá rừng, tranh thủ chợp mắt 15-20 phút. Tiếp theo, chúng tôi phải vượt qua một chặng gian nan trước khi đến lán nghỉ đêm.
Ba ngọn núi dốc dựng đứng không có một đoạn bằng phẳng. Đây chính là thử thách "khó nhằn" của Putaleng, làm cho cung leo này khó hơn nhiều so với Bạch Mộc và Fansipan. Nhiều đoạn, tôi phải đu mình lên những nhánh cây rừng để leo, có chỗ phải bò lên bằng cả bốn chi. May mắn là chặng này chủ yếu đi dưới tán lá rừng nên tránh được nắng nóng.
Trong chặng khó đi này, đoàn chúng tôi tách làm ba nhóm, mỗi nhóm hai người cùng hai porter, liên lạc với nhau bằng bộ đàm do trong rừng không có sóng điện thoại. Cứ đi 30 phút thì nghỉ 5 phút, rồi đi tiếp.
Đến khoảng 3h chiều, chúng tôi đến được đỉnh núi cách lán nghỉ đêm khoảng một giờ leo. Từ đây, đoàn có thể nhìn thấy đỉnh Putaleng. Phóng tầm mắt ra xung quanh thấy bạt ngàn mây núi và các cánh rừng già ở phía dưới. Từ điểm này, đoàn phải đi xuống dưới để đến lán, đường dốc đứng. Chúng tôi di chuyển thận trọng, có chỗ không đi được mà phải bò, trườn, bởi chỉ cần một bước hụt hay ngã, dù không nguy hiểm, có thể không leo được nữa nếu bị bong gân hay trật khớp.
Chúng tôi đến được lán lúc 4h10 chiều, tức mất 7,5 tiếng (gồm một tiếng nghỉ ăn trưa) để vượt qua 10 km đường rừng núi.
Lán nghỉ có thể chứa được 80 người nằm dưới thung lũng kín gió cạnh con suối lớn, mới được một nhóm người dân địa phương, trong đó có anh A Páo dựng cách đây hai năm. Trước đó, người leo phải dựng lều để nghỉ, nếu gặp thời tiết xấu hay trời mưa thì rất lạnh và nguy hiểm, có nguy cơ gặp lũ quét, cành cây gãy đổ rơi vào.
Trong khi đợi các porter chuẩn bị bữa tối, chúng tôi xuống suối rửa mặt và thay đồ. Nhiệt độ của nước suối rất thấp, nên không phải ai cũng dám tắm vì sợ cảm lạnh. Thời tiết ở trên núi thay đổi nhanh. 6h chiều trời đã tối và lạnh, gió mạnh, nhiệt độ vào khoảng 15 độ C, trong khi cùng thời điểm, ở Hà Nội nhiệt độ là 27 độ C. Về đêm, nhiệt độ trên núi giảm thêm 2-3 độ.
Chúng tôi ăn tối lúc 7h, các món gồm gà luộc và gà rán, thịt lợn và rau cải do porter chuẩn bị cùng ruốc và đồ hộp do các thành viên mang theo. Sau bữa ăn, chúng tôi nhanh chóng đi ngủ để chuẩn bị cho hành trình lên đỉnh và xuống núi với tổng chiều dài 25 km vào hôm sau.
Đoàn chúng tôi thức dậy lúc 5h. Ăn sáng xong, để lại balô, đồ đạc ở lán, chúng tôi xuất phát lên đỉnh núi. Trừ A Páo là dân xã Hồ Thầu, 5 porter người Mông của đoàn đến từ Bạch Mộc (cách Hồ Thầu 80 km) cũng háo hức vì đây là lần đầu các anh leo lên đỉnh Putaleng.
Đường từ lán lên đỉnh chủ yếu đi trong rừng trúc và hoa đỗ quyên. Đường không dốc nên chúng tôi không bị mất sức nhiều. Tới gần đỉnh Putaleng, chúng tôi được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên núi rừng, khi đứng từ trên ngắm các trảng rừng hoa đỗ quyên cổ thụ đỏ, vàng, hồng và tím đua nhau khoe sắc ở phía dưới.
Chúng tôi lên đỉnh lúc 8h30, thời tiết khô, mát với nhiệt độ ngoài trời lúc này vào khoảng 18-20 độ. Leo núi sợ nhất là gặp trời mưa, đường trơn trượt rất nguy hiểm và không ngắm được cảnh đẹp của núi rừng.
Trong khoảng 45 phút trên đỉnh, chúng tôi quay phim, chụp ảnh, nghỉ ngơi và rời đi lúc 9h15. Thời gian leo từ đỉnh tới lán nghỉ mất khoảng một tiếng rưỡi, bằng hơn nửa thời gian so với lúc leo lên. 11h, chúng tôi ăn trưa, nghỉ ngơi và 12h rời lán đi xuống bằng đường Tả Lèng.
Chúng tôi dự tính với tốc độ xuống núi như buổi sáng thì tầm 4h chiều tới bìa rừng. Tuy nhiên, đường xuống núi dài hơn nhiều so dự tính và cảnh đẹp như trong truyện cổ tích. Những cây gỗ lớn thân phủ đầy rong rêu, ngọn núi cao hùng vĩ cũng giữ chân chúng tôi lâu hơn mỗi khi dừng nghỉ ngắm cảnh và chụp ảnh.
Con suối trên đường về. |
2h chiều, chúng tôi tới lán ở độ cao 1.800 m, nơi các đoàn khác thường nghỉ lại qua đêm khi đi theo hành trình ba ngày hai đêm. Từ lán này xuống, chúng tôi đi dọc theo con suối lớn khác, to hơn suối Thầu. Lúc này mọi người đã rất mệt, gần như kiệt sức, nên phải nhờ porter mang đồ giúp.
Anh A Páo dẫn nhóm hai người đầu tiên trong đoàn ra tới bìa rừng lúc 4h30 chiều và thuê xe ôm đưa đi lấy ôtô gửi sẵn ở cách đó 6 km. Một tiếng sau, chúng tôi cùng các porter ra đến nơi và được nhóm đầu tiên lái ôtô đón để về Hà Nội, kết thúc hành trình chinh phục Putaleng đầy khó khăn và thử thách.
Đức Hùng