Xu hướng đầu tư bất động sản homestay – Cơ hội và Thách thức?
Trào lưu “ăn đặc sản, ở homestay, sống bản địa” ngày càng là hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế những năm gần đây. Nhu cầu này tăng cao khiến cho loại hình kinh doanh bất động sản homestay ra đời và phát triển nhanh chóng trên thế giới và ở tại Việt Nam.
Cơ hội lớn cho kinh doanh homestay!
Theo công ty nghiên cứu thị trường AirDNA – đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích cho thuê kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu thế giới, tính riêng tại Hà Nội, số lượng homestay ra tăng gần gấp rưỡi từ 8.100 năm 2017 đạt tới hơn 11.200 trong nửa đầu năm 2018. Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ hơn 15.000 chỗ ở năm 2017 lên tới con số hơn 20.000 tính tới giữa năm 2018. Tuy rằng con số thực tế hoạt động là khoảng một nửa nhưng những số liệu trên đã chứng tỏ phần nào được sức nóng của thị trường bất động sản homestay tại Việt Nam.
Về lợi nhuận, các loại hình cho thuê homestay ngắn hạn hay dài hạn đều có khả năng giúp chủ nhà thu được khoảng lợi nhuận hàng chục triệu đồng sau khi đã trừ đi chi phí thuê nhà, điện, nước, vệ sinh… Nguồn vốn đầu tư bỏ ra không quá nhiều song thu được lợi nhuận tương đối nhanh. Với mức giá trung bình khoảng 100.000 – 200.000 cho 1 giường đơn ngày thấp điểm và hơn 400.000 – 500.000 cho ngày cao điểm thì thu nhập một tháng của chủ nhà có thể lên tới 8 con số tương đối dễ dàng.
Về nhu cầu thị trường, số lượng bất động sản kinh doanh homestay tại Việt Nam vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch vào các mùa cao điểm. Không chỉ đối tượng khách nước ngoài yêu thích hình thức này, mà cả du khách nội địa cũng dần quan tâm đến homestay hơn bởi đặc điểm “rẻ nhưng chất” của nó. Nhiều homestay luôn trong tình trạng hết giường, đặc biệt là vào các mùa du lịch hoặc cuối tuần.
Về tình hình phát triển du lịch tại Việt Nam, nhiều địa điểm du lịch ngày càng thu hút khách tham quan hơn bao giờ hết như Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Đối với những thành phố du lịch như Đà Lạt thì quanh năm dù không phải mùa du lịch thì lượng khách đặt phòng tại các homestay cũng luôn vượt quá số lượng cung, đặc biệt là ở những homestay đã có một chút danh tiếng.
Có nhiều OTA chất lượng cả trong nước và nước ngoài đang hoạt động mạnh mẽ, nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản homestay như Vnhomestay, Airbnb, Agoda… Các OTA này có vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa chủ nhà và du khách có nhu cầu tìm homestay. Hệ thống các OTA tại Việt Nam là nhân tố then chốt giúp hình thành một mạng lưới thị trường bất động sản homestay hoạt động có hiệu quả.
Vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua…
Trên thực tế, kinh doanh homestay không phải “món hời” hay “con gà đẻ trứng vàng” như tất cả mọi người tưởng tượng. Nhiều nhà đầu tư sau khi dấn thân vào cuộc đua kinh doanh bất động sản homestay đã phải ngậm ngùi để đứa con tinh thần của mình “chết yểu” và phải vội vàng sang nhượng không lợi nhuận, thậm chí lỗ nặng.
Thứ nhất, chủ nhà chưa hiểu rõ khách hàng. Để có thể thu hút khách thì bạn cần phải nhận diện được đối tượng mà bạn nhắm đến là ai: khách đi theo nhóm, theo cặp đôi, hay là khách đơn lẻ…; họ có thu nhập như thế nào, nhu cầu tối thiểu ra sao cho một đêm lưu trú. Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng, chủ nhà mới biết được mình nên thiết kế ra sao, marketing như thế nào. Nhiều người đầu tư tiền bạc vào homestay nhưng vì không hiểu rõ đối tượng mà mình muốn phục vụ, dẫn đến việc tiền thì cứ ra đi mà vẫn ít booking, không danh tiếng.
Thứ hai, chủ homestay cần phải biết điểm nhấn của homestay mình. Hiểu khách hàng là một chuyện, hiểu chính mình là chuyện quan trọng không kém. Giữa một rừng những homestay đang mọc ra như nấm (hàng chục ngàn!) thì homestay của bạn đứng ở vị nào, khác biệt ra sao, tại sao khách sẽ chọn lưu trú tại đây thay vì tại nơi khác. Điều này đòi hỏi chủ nhà cần đầu tư về mặt thiết kế, quảng bá, và chăm sóc khách hàng.
Thứ ba, quản lý vốn hiệu quả và thông minh. Mặc dù việc đầu tư vào bất động sản homestay cho thuê thường không tốn nhiều tiền nhưng bạn sẽ tốn kém lâu dài vào các chi phí khác như thiết kế, điện nước, nhân công, bảo trì sửa chữa… Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các nhà đầu tư khi lên kế hoạch tài chính dài hạn.
Cuối cùng, xử lý tranh chấp là một kỹ năng sống còn trong kinh doanh bất động sản homestay. Hiện nay, sự phát triển của hình thức lưu trú ngắn hạn này kéo theo nhiều vấn đề đau đầu vô cùng cho các chủ nhà như lừa đảo, vu khống, hủy hợp đồng bất ngờ, hay dính líu các thủ tục pháp lý phức tạp. Việc tỉnh táo trong xử lý tranh chấp với đối tác, bạn kinh doanh, và đặc biệt là với khách hàng sẽ giúp việc kinh doanh thuận lợi rất nhiều.
Như vậy, các nhà đầu tư bất động sản dù đã hay sắp gia nhập vào lĩnh lực kinh doanh này cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng những cơ hội và thách thức của thị trường để có cái nhìn dài hạn cho sự phát triển của homestay trong tương lai. Đừng vội vàng mà khiến công sức và tiền bạc bỏ ra trở thành vô nghĩa!